Vẫn là câu chuyện xoay quanh về nguyên liệu nhưng ở bài này, mình sẽ tập trung phân tích sâu hơn về kỹ năng trong bếp và các loại thực phẩm mà một foodstylist cần biết
- Kỹ năng đi chợ
Đi chợ, mặc cả, chọn lựa thực phẩm đúng nơi, đúng loại chưa bao giờ là điều dễ dàng. Bạn nên tạo thói quen đi bộ khi ra chợ, lang thang lựa chọn đồ, mặc cả và nhớ vị trí của nơi bán thực phẩm theo các tiêu chuẩn để phục vụ cho công việc khi cần thiết. Ví dụ: địa chỉ bán lá dong thay vì đảo điên các chợ để tìm ra một mớ chụp concept tết; chỗ bán các dụng cụ làm bánh, sữa; Địa chỉ bán nền giấy, sơn màu…Về chủ đề này, các bạn có thể tham khảo bài viết về Tìm mua props ở đâu của Chimkudo Academy.
- Tìm hiểu về thực phẩm
Hiểu sâu về thực phẩm và các loại nguyên liệu: Hãy trang bị cho mình kiến thức cơ bản về chủng loại, tương tác của thực phẩm khi qua nhiệt nóng/lạnh, tính năng sử dụng (các loại nguyên liệu nào thường xuyên kết hợp với nhau), cách bảo quản, duy trì thực phẩm tươi, giữ màu lâu…
- Kỹ năng bếp cơ bản
Bạn là foodstylist, bạn không cần kỹ năng chuyên nghiệp tay dao chặt, tay xóc chảo như một đầu bếp thực thụ nhưng về cơ bản bạn nên là một người biết nấu ăn – Ít ra bạn cũng biết cắt miếng chanh mịn đẹp, con cá chiên không bị rách nát, nướng miếng thịt không quá cháy hay chỉ cần tới độ vàng ươm chứ?. Bạn cũng cần phải nghiên cứu để thuần thục kỹ năng điều chỉnh nhiệt độ, nắm bắt các thời điểm thực phẩm biến đổi kết cấu, màu sắc…
Lớp da gà tươi, sau khi trụng qua nước sôi nhấc lên/ sau khi ngâm trong nước sôi 5 phút, 15 phút, 30 phút. Với mỗi loại kết cấu da, thịt gà như vậy sẽ sử dụng cho mục đích gì? (Gà luộc, phở gà, Gà hầm, cháo gà..) Rau củ luộc hay xào cần giữ lại màu sắc xanh tươi bắt mắt nhưng làm sao nhìn không bị sống, lại không bị thâm đen, nhũn nhoét mà vẫn ra được tính chất món ăn?
- Decor trên đĩa
Các nguyên liệu, thành phần món ăn trên đĩa cần phải chế biến đẹp và đúng (bạn đừng quan tâm nhiều đến hương vị). Các nguyên liệu sắp đặt được bố trí thành các lớp trên dưới gọn gàng: Đừng để miếng cà chua che hết đi phần đẹp nhất của miếng sườn. Bát phở lẫn lộn hành mùi, bánh phở rối rắm… Nên kết hợp decor từ củ quả, hoa, rau như nào cho hợp lý với một món ăn Âu/Á đặc thù: Bày biện với món Âu, cách sắp đặt cơ bản trên bàn ăn Âu. Nguyên lý sắp đặt món ăn với triết lý văn hoá nhân sinh của người Nhật, Bày biện món Việt, Thái…
Để ý từ những thứ cơ bản nhỏ nhất: Bạn biết gà xé dùng cho món nào, gà thái miếng, chặt khúc hay fillet dùng cho món nào? Hành thái nhỏ, hành chẻ, hành trần… dùng cho những món ăn nào bạn biết chứ?
- Có cơ hội được làm việc cùng đầu bếp, hãy học hỏi thật nhiều kỹ năng nếu có thể
Trong quá trình làm nghề bạn có rất nhiều cơ hội được làm quen/tiếp xúc với đầu bếp. Cả quá trình làm việc của mình, tôi liên tục học hỏi được rất nhiều điều từ các đầu bếp với đa dạng món ăn đặc trưng vùng miền, đồ uống mới lạ… Đừng kỳ vọng có được một bí kíp món ăn nào đó nhưng họ lại dễ dàng chia sẻ cho bạn cách để giữ màu rau lâu và xanh hơn, mẹo cho món thịt vàng ươm hay bóng bẩy, nguồn gốc món ăn hoặc câu chuyện, văn hoá liên quan tới món ăn đấy…
7. Kiên nhẫn với mọi tình huống
Có thể bạn sẽ phải làm cả trăm cái bánh nếu lớp vỏ chưa đủ yêu cầu. Quậy hàng chục mẻ sortening nếu vân kem của bạn chưa chuẩn hay nghĩ cách chế nước phở để nước dùng vẫn đủ tiêu chuẩn mà thịt không bị tái hay chín quá…
Có hàng nghìn tình huống bất lợi nhăm nhe làm khó dễ cho bạn trong suốt một ngày làm việc. Điều kiện khó khăn như nào, xuất phát từ lý do ra sao thì bạn vẫn luôn phải giữ bình tĩnh, kiên nhẫn cho dù bạn có phải bắt đầu lại từ đầu.. lần thứ 100.
Luôn học hỏi kiến thức mới, rèn luyện kỹ năng và xem thật nhiều. Chúc các bạn có thật nhiều năng lượng và niềm say mê với nghề nhé!!