07 TIPS NHẬP MÔN FOODSTYLIST

Chụp đồ ăn đẹp, máy ảnh và các thiết bị hỗ trợ đã đủ yêu cầu? Food Stylist được cấu thành bởi hai yếu tố “Food” và “Stylist”. Tạm chưa bàn tới mảng Stylist, hôm nay chúng ta đề cập tới yếu tố đầu tiên “Food”

Nhiều bạn khi bắt đầu vào làm nghề, thường hay loay hoay chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Có bạn là đầu bếp, có bạn năng khiếu hoặc được đào tạo từ các trường nghệ thuật – Với hai trường hợp các bạn đều có lợi thế riêng của mình.

1.Tạo cảm xúc ảnh

Hãy đưa món ăn vào một môi trường hợp lý, dùng các phụ kiện, đạo cụ để khơi gợi, kiến tạo cảm xúc cho người xem: Một bữa ăn nóng hổi vào mùa đông, món lạnh vào không khí tươi mát, món ăn nhà nấu vào không gian gia đình, quang cảnh quen thuộc như: bếp, bàn ăn, sân vườn nhà…

Bữa cơm vào một sớm mùa thu trong trẻo.

 

Bữa cơm đầm ấm bên gia đình.

2.Thời điểm quan trọng của thực phẩm

Tại sao có trường hợp những bức ảnh chụp ngẫu nhiên của các bạn review đồ ăn lại gợi ngon hơn những bức ảnh được setup cầu kỳ? Nguyên tắc của yếu tố này là chọn đúng thời điểm – Trước khi ăn chính là thời điểm hoàn hảo mà mọi nguyên vật liệu được kích thích nhất về vị giác, thính giác, khứu giác: Hãy chụp món rau xào ngay khi bưng ra thay vì chụp nửa tiếng sau đó, khi món rau bị teo tóp lại và không còn bóng bẩy, thậm chí nhiều món rau còn bị thâm đen lại như rau muống hay món phở vừa chan nước dùng với từng miếng bò gặp nước sôi tới độ cong bóng bẩy hoàn hảo chứ không phải món bò đã trương nở, thịt bò thâm màu hoặc bị tái nhợt… Bạn cần phải tìm hiểu rất kỹ về thời điểm thực phẩm biến đổi kết cấu, trạng thái, màu sắc để sử dụng trong các tình huống khác nhau.

Lá bạc hà sau 30 phút dưới ánh đèn studio – @Chimkudo  Studio

 

3. Làm quen với cách sắp xếp
Bỏ qua những từ ngữ chuyên ngành như: concept, layout, idea… với những kết cấu, bố cục phức tạp đi. Bắt đầu từ cách sắp xếp đơn giản giản trước. Một món ăn với nền trắng/đen/bàn gỗ/nền bêtông hay chỉ là đặt trên tay… Chúng ta hãy học cách tập trung vào chính món ăn để đạt tới các tiêu chuẩn gợi thèm, nhìn phải NGON trước.

Đồ ăn trước hết phải đẹp và tạo cảm giác thèm ăn.

Sau một thời gian quen với việc chăm chút, hoàn hảo món ăn trên những chiếc nền đơn giản, hãy thử làm quen với một đôi đũa, cái thìa phía xa. Đặt món ăn lên chiếc thớt, mix cùng món rau ăn kèm hay chén cơm phía xa xa… để tạo thêm các lớp không gian, bạn sẽ ngạc nhiên với bức ảnh có chiều sâu hơn hẳn đấy

Một nhắc nhở với các bạn mới làm quen với nhiếp ảnh ẩm thực: Đạo cụ trang trí nên lựa chọn những đồ vật/nguyên liệu phù hợp: Một đĩa rau sẽ hợp lý khi đi cùng bát mắm tỏi ớt, bát bún riêu sẽ hợp lý khi đi cùng đĩa rau sống phía xa nhưng thật không đúng nếu bạn đặt bát thịt kho tàu thơm lừng vàng ươm cạnh khối thịt sống còn chảy nước hồng đang cắt nham nhở trên thớt phía sau nhé. Nếu chưa chắc bố cục, đừng bao giờ cố gắng bày thật nhiều các nguyên liệu xung quanh món ăn của bạn.

4. Bày biện trên đĩa muốn ngon phải đúng

Một đĩa đồ ăn “nhìn ngon” phải được bày biện đúng, phô diễn được góc/thời điểm hấp dẫn nhất của các nguyên liệu: Đổi vị trí của miếng thịt kho đẹp nhất, bóng bẩy ra ngoài. Để chiếc bánh trào sốt ra ngoài nếu có lớp nhân Lavar, lớp sốt mềm bóng chứ không bị khô hay nhoe nhoét; Món gà luộc hoàn hảo với lớp da vàng ruộm, không bị rách, nứt,…

Lựa chọn góc để diễn tả tốt nhất texture và độ tươi ngon của đồ ăn.

 

5. Hiểu đúng về nguyên liệu nhưng cũng đừng quên văn hoá vùng miền bạn nhé

Nếu chụp một tô phở Hà Nội, tất nhiên là không thêm đĩa giá sống (trừ khi bạn nấu ở nhà và ăn theo sở thích, vậy thì đừng gọi nó là món phở truyền thống). Một bữa tiệc trà Anh không thể thiếu những bộ tách hoa cầu kỳ, mỏng mảnh. Một mâm cỗ tết miền Bắc sẽ khác với mâm cỗ tết miền Nam… tất cả cần phải hiểu đủ và trình bày cho hợp lý cả về nguyên liệu, thành phần cũng như đồ decor, tách đĩa đi kèm …

Bánh sừng bò được chụp ở Việt Nam sẽ được decor bằng tất cả những props thuộc về Việt Nam. Ngay cả tách uống espresso cũng cần loại phù hợp.

 

6. Cẩn thận với cụm từ sáng tạo trong món ăn

Fushion là một từ rất dễ gây nhầm lẫn khi bạn muốn sáng tạo món ăn theo phong cách riêng. Đừng vội sáng tạo, phối hợp phong cách Âu – Á, Việt – Hàn – Thái… nếu như bạn không phải là một người am hiểu về kiến thức nền về món ăn, nguyên liệu, văn hoá… Bạn phải thật sự chắc kiến thức nền để sáng tạo, để khi thay đổi mọi người vẫn nhìn ra món chính với sự sáng tạo tuyệt vời của bạn thay vì thách thức, làm rối trí người xem: Tôi đang làm món gà nướng cho lễ phục sinh, tôi dùng gà ta, ướp theo công thức Thái và đặt nó trên lá chuối chẳng hạn (ngoại trừ bạn đang có ý tưởng sáng tạo, vui chơi nào đó với thực phẩm)

Chiếc vòng Xmas thuộc về văn hóa Tây Phương được tạo thành từ các nguyên liệu thuần Á Đông – Một sự giao lưu văn hóa hoàn hảo.

 

7. Bạn sẽ dễ dàng tìm ra những nét đẹp của nguyên liệu ở khắp mọi nơi

Mỗi nguyên liệu vốn dĩ là một thiết kế hoàn hảo của tự nhiên với màu sắc, kết cấu: Vỏ ốc, tổ ong, san hô, cây bắp cải, quả cà chua, Dẻ sườn, tôm, cá, bọt bia sủi, giọt mắm, miếng gà nướng xém vàng, chiếc bánh mì với lớp bơ bóng mượt hay lớp vỏ giòn rụm được cắt lớp hoàn hảo… Hãy khai thác chúng bất cứ khi nào có thể dù là tươi, sơ chế hay chín. Trong quá trình làm việc bạn sẽ gặp không ít tình huống cần sử dụng/khai thác ý tưởng từ chúng đấy

Vẻ đẹp của thực phẩm không cứ phải tới từ chính món ăn mà nguyên liệu cũng có thể dùng để tôn vinh ẩm thực.

Chúc các bạn có những buổi thực hành nhập môn Foodstylist vui vẻ với nguyên liệu và món ăn xung quanh mình nhé!!!